CÁCH TRỒNG NẤM BÀO NGƯ TẠI NHÀ

Foody Nhà Quê xin giới thiệu với quý vị và các bạn cách trồng nấm bào ngư tại nhà từ meo giống. Với cách làm này sẽ giúp quý vị và các bạn thu hoạch nấm với năng suất rất cao so với mua phôi sẵn, thời gian và công sức cũng không tốn quá nhiều. Đặc biệt chỉ 1 lần trồng sẽ cho thu hoạch từ 3-6 lần. Hi vọng đây sẽ là giải pháp cho những ai đã từng ấp ủ tự trồng nấm sạch cho gia đình.

Trồng nấm tại nhà là xu hướng mới không chỉ rất thú vị mà còn rất tiện lợi của khá nhiều người có lối sống xanh, hoặc những ai thích ăn nấm ngon ngọt tự trồng vì lo lắng mua thực phẩm bên ngoài không đảm bảo chất lượng. Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi.

1. Chuẩn bị:

-1 bịch meo nấm. Meo giống nấm bạn có thể tìm mua ở các cửa hàng bán đồ nông sản, cây giống.

-Bình phun sương có vòi phun mịn

-Dây buột

-Túi nilong có thể thay bằng thùng đục lỗ, hoặc rổ… nhưng túi nilong là tiện và dễ làm nhất

-Rơm khô tầm 4-500gr(có thể thay rơm bằng lá chuối khô, cỏ khô, bã mía, mùn cưa, xơ dừa,….)

-Vật nhọn để đục lỗ.

2.Cách làm:

2.1. Xử lí nguyên liệu

-Nguyên liệu trồng như rơm khô, cỏ khô, bã mía … cần được xử lý vi khuẩn trước khi đóng bịch phôi nấm. Rơm khô quý vị và các bạn có thể cắt ngắn đoạn 5-10cm cho dễ thao tác hoặc không cắt cũng được.

cách trồng nấm bào ngư tại nhà

-Sau đó đem rơm đi luộc trong nước sôi 5-10 phút.

Nếu không xử lý rơm bằng cách luộc quý vị và các bạn có thể xử lý bằng cách ủ vôi. Tuy nhiên, Foody Nhà Quê trồng nấm để cung cấp thêm thực phẩm cho gia đình, mỗi lần trồng chỉ 2-3 phôi nên chọn cách luộc rơm là tối ưu nhất.

-Sau khi luộc, chúng ta vớt rơm ra để nguội cho ráo nước. Khi lấy 1 nắm rơm vắt mạnh, thấy nước ứ ra tay và không có nước chảy ra thành dòng là được có thể dùng rơm để đóng phôi nấm. Không nên để rơm quá khô, meo giống sẽ không đủ ấm để phát triển, cũng không nên để quá nhiều nước, meo sẽ dễ ngấm nước và chết.

2.2. Đóng phôi nấm:

-Bịch meo nấm sau khi mua về cần xé nhỏ ra.

Với cách trồng nấm bào ngư tại nhà, muốn phôi nấm thành phẩm có hình trụ tròn quý vị và các bạn có thể buột đáy của tí nilong lại là được.

cách trồng nấm bào ngư tại nhà

-Dồn phôi bằng cách cho rơm vào bao, cứ một lớp rơm dồn chắc tay vào túi nilong khoảng 5-7cm quý vị và các bạn rãi một lớp meo nấm. Nên rãi xung quanh thành để meo dễ kéo tơ. Chú ý ép sát phôi nấm ra phía ngoài thành túi. Tiếp theo một lớp rơm dồn chắc vào túi nilong chúng ta lại rãi một lớp giống nấm lên bề mặt. Thao tác tiếp tục như vậy cho đến khi đầy túi nilong.

-Khi rơm và meo đã đầy túi, chúng ta cột bịch lại để giữ độ chắc chắn của phôi.

Cuối cùng dùng vật nhọn đâm lỗ giúp thoát khí cho nấm hô hấp, nấm cũng sẽ sinh ra tại các lỗ này. Đường kính của lỗ cần đâm là tầm 1cm, khoảng cách giữa lỗ này với lỗ kia là tầm 10. Lưu ý quý vị và các bạn không nên đâm vào mặt đáy của túi phôi.

2.3. Ủ tơ:

-Đơn giản chỉ là sau khi đóng phôi xong, quý vị và các bạn nên đặt phôi đã làm ở nơi sạch sẽ, thoáng mát, đảm để bảo không có ánh nắng chiếu trực tiếp, và không có gió lùa là được. Nếu có ánh sáng mạnh chiếu vào sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và chất lượng nấm.

cách trồng nấm bào ngư tại nhà

-Để như vậy tầm 7-12 ngày nấm sẽ kéo tơ kín bịch phôi.

2.4. Tưới nước:

– Sau khi tơ nấm kéo kín bịch phôi chúng ta nên tưới phun sương mỗi ngày tầm 4-6 lần và đợi nấm lớn để thưởng thức thôi.

Lưu ý khi tưới nấm là dùng vòi tưới phun sương hạt mịn tránh làm tổn thương đến nấm.

Những lưu ý khi trồng nấm tại nhà mà Foody Nhà Quê rút ra được:

Muốn nấm lan tơ nhanh và phát triển khỏe mạnh quý vị và các bạn cần đáp ứng các yếu tố:

1.Luộc rơm thật kĩ: rơm luộc kĩ không chỉ giúp tiệt trùng tránh nhiễm bệnh cho nấm mà còn giúp nấm dễ lan tơ vì có độ mềm cho tơ nấm để phát triển.

2.Độ ẩm của rơm khi đóng phôi: Rơm sau khi luộc xong quý vị và các bạn để nguội cho ráo hết nước không để rơm quá khô nấm khó lan tơ, cũng đừng để ứ quá nhiều nước meo nấm dễ chết.

3.Khi tưới nước cho nấm cần sử dụng vòi phun sương mịn, để tránh làm tổn thương nấm.

4.Nấm sẽ phát triển tốt trong môi trường thoáng mát, đảm bảo không có nắng chiếu trực tiếp và gió lùa.

5.Tránh động vào nấm con. Hạn chế di chuyển phôi nấm.

cách trồng nấm bào ngư tại nhà

2.5.Thu hoạch:

Khi tai nấm bào ngư có hình như vỏ sò và có đường kính từ 3 – 5cm là có thể thu hoạch. Quý vị và các bạn nên hái bằng cách cầm cả cụm nấm vặn nhẹ cho sát gốc là được, nếu để gốc lại thì sẽ rất dễ gây nhiễm bệnh cho bịch nấm.

Sau khi thu hoạch nấm, quý vị và các bạn không nên tưới nước ngay vào bịch nấm mà phải đợi vài tiếng sau mới tưới vì nếu tưới ngay lúc vừa hái nấm xong thì sẽ dễ khiến tơ nấm trong túi phôi chết thối. Với cách làm này chúng ta sẽ thu nấm từ 3-6 đợt. Sau khi thu hoạch cứ tiếp tục tưới chăm sóc phun sương hàng ngày để đợi đón nấm đợt tiếp theo.

cách trồng nấm bào ngư tại nhà

Vậy là quý vị và các bạn vừa xem xong cách CÁCH TRỒNG NẤM BÀO NGƯ TẠI NHÀ. Đây là những kinh nghiệm thực tiễn qua nhiều lần trồng mà Foody Nhà Quê rút ra được. Nếu hội đủ các điều kiện trên, quý vị và các bạn sẽ nhanh chóng có được những cụm nấm bào ngư không chỉ đẹp mắt mà còn ngon ngọt do tự tay mình trồng ra phục vụ bữa ăn cho gia đình, vừa tiết kiệm lại an toàn cho sức khỏe. Sau khi xem xong video CÁCH TRỒNG NẤM BÀO NGƯ TẠI NHÀ này đừng quên bắt tay vào thực hiện ngay nhé! Chúc quý vị và các bạn thành công. Xin chào và hẹn gặp lại!