Foody Nhà Quê xin hướng dẫn quý vị và các bạn cách trồng rau mầm đậu Hà Lan bằng nước. Chỉ với những bước đơn giản và một chút thời gian chúng ta sẽ thu được những khay rau mầm đậu Hà Lan tươi tốt giàu dinh dưỡng chỉ sau 7 ngày trồng.
Rau mầm đậu Hà Lan là một trong những loại rau bổ dưỡng không chỉ giúp cải thiện vị giác cho mỗi bữa ăn nó còn giúp hỗ trợ điều trị tiểu đường, táo bón, béo phì, giúp sáng da, tăng đề kháng cho cơ thể…
A. Chuẩn bị:
– Hạt giống rau mầm đậu Hà Lan. Nên mua loại hạt giống rau mầm đậu hà lan chuyên dùng cho trồng rau mầm. Loại hạt này giúp khả năng thành công của việc trồng rau cao hơn nhiều so với hạt thông thường.
– Khay trồng rau mầm: quý vị và các bạn có thể chọn mua khay trồng rau mầm hoặc sử dụng rổ/thau có sẵn trong gia đình.
B. Thực hiện:
Bước 1: Làm sạch hạt và ngâm hạt:
Nhặt bỏ những hạt vỡ, hạt hư, rửa sơ qua với nước sau đó đem ngâm ấm 2 sôi 3 lạnh từ 4-8h (tùy nhiệt độ vùng miền và mùa nóng mùa lạnh). Hoặc chỉ cần ngâm với nước ở nhiệt độ bình thường qua 1 đêm.
Bước 2: Ủ hạt
Hạt sau khi ngâm đem xả lại dưới vòi nước sau đó cho vào khăn ẩm, đặt vào nơi tối giúp kích thích hạt nẩy mầm. 8-10h phun nước giữ ẩm cho hạt. Ủ 1 ngày là hạt sẽ nẩy mầm đều có thể đem trồng. Quý vị và các bạn có thể bỏ qua bước ủ hạt đều được. Thường Foody Nhà Quê chỉ ủ vào mùa lạnh, còn vào mùa nóng để tiết kiệm thời gian sau khi ngâm Foody Nhà Quê sẽ rãi hạt trực tiếp vào khay luôn. Tỷ lệ nảy mầm và thời gian thu hoặc vẫn không đổi.
Bước 3: Gieo hạt
Hạt sau khi ngâm ủ xong Foody Nhà Quê sẽ rãi đều lên mặt khay, không chồng chéo hạt. Nếu hạt chưa ủ chúng ta nên rãi hạt chừa khoảng trống vì hạt còn cần không gian để nứt mầm. Phủ một lớp khăn ướt lên bên trên và chồng khay lên nhau giúp cố định hạt mầm, tiếp tục đặt vào nơi tối để kích thích mầm.
Bước 4: Chăm sóc:
2 ngày đầu vẫn đặt khay rau mầm đậu hà lan trong tối vẫn phủ lớp khăn ẩm và khay chồng khay nhằm cố định hạt cũng như giúp hạt lên đều và mập mạp hơn, mỗi ngày xả nước 2-3 lần giúp cung cấp độ ẩm cho hạt cũng như tránh trường hợp hạt bị chua/ thối hạt.
Sau 2 ngày rễ đã bắt đầu ra nhiều nên cần cho nước vào khay chứa nước, nhưng để đảm bảo giữ cho hạt không bị thối lượng nước phải đảm bảo không chạm vào hạt, đồng thời thay nước thường xuyên mỗi ngày 1-2 lần kết hợp dùng vòi nước xịt thẳng vào mặt hạt để tránh trường hợp hạt bị úng/ thối hạt.
Lưu ý một chút là nếu quý vị và các bạn muốn dùng mầm đậu Hà Lan làm salad, cuộn thịt nướng thì trong quá trình trồng nên để khay rau nơi có ánh sáng nhẹ rau sẽ trắng, non và ít lá hơn. Nếu muốn dùng mầm đậu Hà Lan làm các món như xào, ăn lẩu, nấu canh, luộc thì đem khay rau ra nơi có nắng hắt hoặc ánh sáng mạnh để rau ra nhiều lá xanh khi nấu rau sẽ ít bị nồng mùi giá đỗ và rau có vị ngọt hơn. Dù là ăn theo cách nào rau mầm đậu hà lan cũng đậm vị ngọt, ngon, thơm và cực kỳ bổ dưỡng.
Bước 5: Thu hoạch
Sau tầm 7-10 ngày chúng ta có thể bắt đầu thu hoạch.
Foody Nhà Quê dùng dao, kéo cắt cách gốc khoảng sao cho có thể chưa lại 2 nách lá để thu hoạch lứa sau nữa. Chúng ta có thể thu hoạch từ 2-3 lần. Sau lần thu hoạch đầu tiên chúng ta tiếp tục thay nước thường xuyên và đợi đậu hà lan nứt mầm từ các nách lá còn lại. Sau khi thu hoạch nếu chưa sử dụng liền thì không nên rửa mà cho vào hộp/ túi nilong để trong ngăn mát của tủ lạnh. Có thể bảo quản trong tủ lạnh 3 – 5 ngày.
Rau mầm đậu Hà Lan giòn, vị đậu, nhiều đạm và vitamin, dùng cho các món rau trộn, bò xào, nấu canh, ăn lẫu… Bắt tay vào trồng ngay cho bản thân và gia đình mình những khay rau mầm đậu Hà Lan chất lượng nhé.